Popular Posts

Wednesday 29 June 2011

GẠT TIỀN CHÙA.


CON ĐƯỜNG SÁNG
(SỰ THẬT NHÂN QUẢ)
Thích Huyền Diệu


Mỗi lúc nhàn rỗi tôi và thầy U. Nyaneinda, trụ trì chùa Miến điện thường ngồi chung cùng uống trà nói nhiều chuyện, trong đó có những chuyện về nhân quả đời này. Thầy và tôi có nhiều điểm giống nhau nên rất thân, tuy nhiên vẫn có nhiều điểm không giống nhưng chúng tôi biết hòa đồng nhân nhượng tôn kính lẫn nhau, nên mọi việc điều tốt đẹp. Chúng tôi đều đồng ý quan điểm bà con xa không bằng láng giềng gần, nên rất lưu tâm giúp đỡ những người sống gần chùa.
Gần chùa có một gia đình biết chùa cũng gần 20 năm nên thầy cả rất tin tưởng và thương quý, đó là gia đình anh Yadaw Kuma. Anh là người thường xuyên giúp đỡ cho chùa mỗi khi có việc cần. Một hôm anh chạy qua chùa Miến điện (tôi cũng có mặt ở đó) anh ta xin mượn thầy cả 40 ngàn rupees để mua 2 con bò sữa kiếm tiền nuôi con ăn học. Anh năn nỉ Thầy cả để mượn tiền và hứa sẽ hoàn trả đầy đủ trong vòng 6 tháng.
Những năm 1985, 40 ngàn rupees là tương đối lớn, bằng 1 năm thu nhập của những người lao động trung bình. Anh Yadaw Kuma ngày nào cũng qua chùa năn nỉ Thầy cả mượn tiền để lo cho gia đình và công việc. Trước tình cảnh thương tâm và nhiều ngày năn nỉ như vậy cuối cùng Thầy cả cũng xiêu lòng, Thầy lấy tiền chùa và đi mượn các chỗ khác cho đủ 40 ngàn rupees để cho anh ta mượn. Ngày cho anh Yadaw Kuma mượn tiền, Thầy có cho mời tôi qua uống trà và có lẽ cũng để làm chứng việc thầy cho anh mượn tiền. Khi thầy đưa tiền cho anh có sự hiện diện của tôi, Thầy nói đi nói lại nhiều lần đây là tiền chùa, tiền linh thiêng, tiền của những tấm lòng thành tâm cúng dường tam bảo, Thầy nói đúng ra thầy không có quyền lấy tiền cho anh mượn, nhưng vì thương hoàn cảnh của anh đang khó khăn nên giúp đỡ. Thầy đề nghị anh nên cố gắng trả lại cho chùa càng sớm càng tốt, chậm nhất là 6 tháng. Anh ta trả lời chắc nịch: “Nhất định con sẽ trả lại cho Thầy đúng kỳ hẹn, thầy đừng lo!”. Nói xong anh cầm số tiền lạy tạ Thầy cả 3 lạy với vẻ mặt mừng khó tả, rồi anh ta quay sang tôi xá lia lịa nói cảm ơn, cảm ơn.
Không phải tiền của tôi mà anh ta cảm ơn ríu rít như vậy tôi lấy làm ngạc nhiên, sau này tôi mới hiểu anh ta tưởng tôi có cho Thầy cả mượn một số tiền nhưng thật ra tôi không có cho thầy mượn đồng nào cả, mà tôi chỉ là người có mặt để chứng kiến anh mượn tiền Thầy cả thôi.
Thời gian 6 tháng trôi qua khá nhanh Thầy cả có nhắc anh trả tiền phần nào để xây dựng chùa nhưng anh cứ tìm cách trì hoãn. Vài ngày vài tuần vẫn không thấy anh trả, từ đó anh ít lui tới chùa vì sợ Thầy cả đòi tiền. Thế là một hôm nhân có sự hiện diện của tôi cùng uống trà ăn bánh ngọt mới từ Miến Điện gởi qua, Thầy nhờ chú thị giả qua mời anh Yadaw Kuma qua cùng uống trà ăn bánh. Khi anh ta qua thấy chúng tôi vui vẻ uống trà với nhau thì anh bỗng dưng òa lên khóc nức nở và nói vợ con đang đau nặng mà không đủ tiền đưa vợ đi nhà thương. Gặp cảnh thương đau như vậy tôi và thầy cả còn an ủi anh rồi mọi người mỗi người một ít đóng góp để anh kịp đưa vợ đi nhà thương. Vài hôm sau tôi gặp mấy người hàng xóm để hỏi thăm về bệnh tình của vợ anh ở nhà thương ra sao, mới vỡ lẽ là vợ anh ta không có bệnh đau gì cả, chị ta rất khỏe mạnh ở nhà cùng mấy đứa con lấy sữa bò bán kiếm tiền. Tôi thấy hơi ngạc nhiên và đem chuyện này nói lại cho Thầy cả biết trong một buổi uống trà nhàn rỗi. Thầy cả nghe xong có vẻ trầm ngâm và linh tính có gì đó không tốt xảy ra. Thầy nói với tôi: “Có lẽ thằng Yadaw Kuma đã gạt lấy số tiền mà cách đây mấy tháng mình cho nó mượn. Mình thấy nó khó khăn nghèo khổ nên mượn giúp nó, nhưng tôi có cảm tưởng số tiền mình cho mượn và tấm lòng tốt của những người khác sẽ mất”. Tôi thấy Thầy nói với giọng trầm trầm và buồn buồn nên tôi vội an ủi: “Chắc thằng Yadaw Kuma đang gặp khó khăn nên chưa trả được thôi”, tôi nói với thầy vẫn còn hi vọng.  Nhưng Thầy nói tiếp: “Mình vì thương người mà bị nạn”.
Sau đó khoảng một tuần lễ, nhân có lễ hội lớn tại Bồ Đề Đạo Tràng nhiều người đến dự trong đó có những nhân vật nổi tiếng của tiểu bang Bihar và địa phương, có lẽ Thầy cả cũng nhân cơ hội này chính thức đòi tiền lại cho dễ hơn chăng? Đúng như tôi đã nghĩ, khi lễ gần xong mọi người ra về khá nhiều, chỉ còn vài nhân vật thân với Thầy cả cùng ngồi với tôi uống trà, bất chợt thầy thấy hai vợ chồng Yadaw Kuma đi qua, thầy cũng mời lại ngồi uống trà thế là Yadaw Kuma cùng ngồi vào bàn uống trà và anh ta mở miệng khen năm nay lễ hội tổ chức rất lớn và rất vui, lại có những nhân vật cấp cao đến dự. Anh cũng tán thưởng khen các nhân vật VIP cùng ngồi uống trà ăn bánh. Mọi người cùng ngồi uống trà trò chuyện thì Thầy cả bất chợt nói với Yadaw Kuma nên trả lại phần nào số tiền cho chùa, để có mà sửa chữa một số nơi đang xuống cấp và hư nát. Khi thầy hỏi Yadaw Kuma một cách nhẹ nhàng và khiêm tốn thì anh liền hứ một cái thật lớn làm mọi người giựt mình để ý ngay, Yadaw Kuma lại hứ lên một cái nữa rồi nói một cách rất tự nhiên: “Con đã trả tiền cho Thầy hết rồi mà sao thầy còn đòi nữa? Có thể mấy hôm trước Thầy bị bệnh nên trí nhớ bị quên chăng? Con đã trả tiền thầy ngay tại chỗ thầy đang ngồi đó”. Tôi thấy Thầy cả có vẻ ngạc nhiên sửng sốt trước những lời tự nhiên của Yadaw Kuma, nhưng thầy vẫn bình tĩnh nói: “Vậy sao, vậy sao!” rồi Thầy tiếp: “Nếu anh đã trả tiền cho chùa rồi thì anh hãy đứng dậy đưa tay lên trời nói đi nói lại 3 lần: tôi đã trả tiền chùa rồi.” Thầy vừa nói xong Yadaw Kuma đứng dậy làm ngay. “Con đã trả tiền cho Thầy đầy đủ rồi!” Anh nói đi nói lại 5 lần chứ không phải 3 lần như Thầy cả yêu cầu.
Tôi ngồi đó đếm rất kỹ bằng tiếng Hindi. Ai cũng phì cười vì giọng tiếng Hindi của tôi mang chưa đủ mùi cà ri nị, người nghe biết ngay là không phải dân Ấn Độ chính gốc. Tôi đếm rất nghiêm túc, tôi thấy anh Yadaw Kuma một tay đưa lên trời một tay đưa sau lưng mà nói. Nói xong anh ngồi xuống rót trà uống một cách tự nhiên, cách tự nhiên ấy làm mọi người rất tin tưởng vào lời hứa của anh mà chỉ riêng có Thầy cả và tôi biết sự thật mà thôi.
Sau đó Yadaw Kuma và mọi người điều ra về hết chỉ còn 2 chúng tôi ngồi lại uống trà trong bóng đêm với ngọn lửa bập bùng. Thầy cả và tôi ngồi yên lặng một khoảng hơi lâu không nói gì hết, màn đêm từ từ buông xuống, sương cũng bắt đầu dày đặc. Tôi thì nghĩ ngợi lung tung và tận sâu trong tâm hồn tôi thấy rất buồn cho nhân thế! Tôi nghĩ một người có đầy đủ đức độ như Thầy cả vậy mà họ vẫn nhẫn tâm đi lừa gạt Thầy, thật bất nhân và vô lương tâm! Thầy cả cho Yadaw Kuma mượn tiền là để giúp nó những lúc khó khăn chứ có ăn tiền lời đồng nào đâu, sao Yadaw Kuma có thể làm phiền một vị chân tu như vậy?
Thầy cả vẫn trầm ngâm không nói, Thầy suy nghĩ về lời nói của Yadaw Kuma đã hứa “con đã trả tiền cho thầy rồi”!  Ánh lửa bập bùng thỉnh thoảng lại nhỏ rồi to, tôi thấy nét mặt của thầy buồn buồn, tôi cũng buồn theo, sự lặng thinh vẫn tiếp diễn ánh lửa khi mờ khi lu tạo thêm vẻ thê lương của cuộc đời nhiều đen bạc, của sự vô ơn bạc nghĩa…
Đêm về khuya, trời càng lạnh, ngọn lửa cháy đỏ từ hồi chiều tới giờ cũng gần tàn, tôi muốn kết thúc buổi gặp gỡ đầy kỉ niệm và nhiều ấn tượng buồn này và cũng muốn làm vơi bớt nỗi buồn của người bạn thân: “Thôi chúng ta không nên buồn vì chuyện Yadaw Kuma lừa gạt lấy tiền chùa. Nếu kiếp trước mình gạt nó bây giờ nó gạt lại là huề. Còn không nó sẽ trả quả báo rất sớm”. Thầy thốt lời rất nhanh: “Tôi đồng ý quan điểm đó!” Thế là tôi chia tay Thầy để về còn tụng kinh niệm Phật, sáng mai còn làm việc khác.
Mấy ngày sau, khi gặp lại Thầy, Thầy vẫn nhắc lại việc Yadaw Kuma gạt tiền chùa mà còn dám thề thốt một cách tỉnh bơ. Thầy nói nhưng vẻ mặt thật buồn và rất thất vọng cho nhân thế! Tôi biết thầy đang buồn nên vội khuyên: thầy nên quên chuyện đó đi để tâm hồn thoải mái mà lo những việc khác ý nghĩa hơn, thầy cứ yên tâm sự thật trước sau rồi cũng tỏ bày, Yadaw Kuma thế nào cũng trả quả báo thật sớm, vì đây là chỗ linh địa, tôi đã chứng kiến nhiều việc hiển linh! Thầy nghe tôi nói vậy, thế là thầy cười vui vẻ, hứa với tôi không nhắc đến việc của Yadaw Kuma nữa.
Khoảng một tuần sau trời mờ mờ chưa sáng, ngoài sân sương mù còn dày đặc, thế mà thầy đến gõ cửa phòng tôi mời qua uống trà. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi với thầy thường hay ngồi uống trà khi hoàng hôn gần xuống, sao hôm nay lại được mời uống trà trong buổi sáng tinh sương. Tôi nói để tôi lạy Phật xong sẽ qua, tôi sang đến nơi thì đã thấy thầy có mặt tự bao giờ.
Thầy vui vẻ mời tôi ngồi xuống và nói hôm nay tôi có trà rất ngon mới từ Miến Điện gửi sang nên mời thầy qua thưởng thức. Tôi uống được khoảng hai tách thì thầy hỏi tôi có biết tin tức gì mới không. Thầy hỏi với vẻ mặt nghiêm trang đặc biệt. Tôi hỏi lại thầy có chuyện gì lạ phải không. Thầy bảo những lời tôi nói hôm trước linh thiêng lắm. Tôi hỏi lại có chuyện gì mà linh thiêng? Thầy từ từ kể lại trong sự xúc động: tối qua anh Babulan, người làm công cho chùa Miến Điện đến báo tin vợ Yadaw Kuma không biết sao mà đau dữ dội, Yadaw Kuma phải gọi xe cứu thương chở vợ đi gấp để cấp cứu, khi vợ đến bệnh viện tạm ổn, Yadaw Kuma cho xe quay về nhà để lấy đồ ấm và một số đồ dùng cho vợ vì mùa đông ở xứ Ấn độ khá lạnh, khi về đến nhà thì tự nhiên 2 con bò và 1 con trâu trong đàn gia súc lăng ra chết cách đó chỉ vài chục phút. Yadaw Kuma hốt hoảng khóc lóc thảm thiết, làng xóm xung quanh chạy tới xem, trong đó có Babulan. Nhờ vậy mới có tin tức báo cho thầy biết, tuy rất đau đớn khổ sở nhưng Yadaw Kuma vẫn cố giữ bình tỉnh để lấy đồ cho vợ là chị Devi Kumari đang nằm trong phòng hấp hối. Nhưng hỡi ôi! Anh vừa đem đồ ấm tới nhà thương thì bác sĩ đã báo tin vợ anh đã chết trước khi anh đến chỉ có 5 phút. Theo nhiều người kể lại thì anh lăn ra đất tại bệnh viện mà khóc la thê thảm. Anh ôm xác vợ đưa về nhà mai táng vì theo truyền thống Ấn Độ không được để lâu. Anh cùng gia đình làng xóm đưa vợ anh đi thiêu thì không bao lâu sau đó 2 con trâu khác và 4 con cừu trong số 10 con cũng lần lượt chết đi, do căn bệnh gì tới nay không ai biết được. Nghe tin anh vừa đưa vợ đi vừa khóc lóc thảm thương như đứa con nít 8 tuổi, chứng kiến cảnh ấy ai ai cũng xót thương cho Yadaw Kuma. Khi xác chị vợ thiêu xong, tro được rải xuống dòng sông Phănggu gần Gaya. Khi anh vừa về nhà thì 6 con cừu còn lại của anh cũng vừa mới chết khoảng 1 giờ trước. Dân chúng trong vùng đều bị chấn động, cứ nghĩ bệnh dịch đang bùng phát nên nhiều gia đình xóm Yadaw Kuma đã vội dọn đồ chạy đi nơi khác sinh sống.  Nhưng sự thật không phải bệnh dịch, mà sự cố chỉ xuất hiện trong gia đình của Yadaw Kuma. Sau đó 3 ngày, con của anh Yadaw Kuma lấy xe của bố chạy ra đường, không biết thế nào mà xe chở đá chạy ngược chiều cán con anh văng từng mảnh, nhưng chiếc xe yêu quý của Yadaw Kuma thì còn nguyên vẹn. Khi xe được đem về làng mọi người bàn tán đủ thứ, không ai giải thích được tại sao có chuyện lạ như vậy. Người thì tan xác, xe lại không bị gì! Nghe mọi người kể lại cái chết kinh hoàng của con anh, anh không tin nhưng khi cảnh sát đến tận nhà báo tin thì anh mới bật ngửa. Lại một trận khóc xảy ra, nhưng lần này nước mắt không còn để chảy vì tất cả đã khóc hết nước mắt cho người vợ thân yêu và đàn gia súc của anh.
Sau khi được cảnh sát báo tin anh cùng lên xe đi tới hiện trường thì anh mới tá hỏa như người mất hồn khi nhìn thấy đầu và tay của con, còn lại các phần khác thì văng tứ tung. Cái đầu máu mủ dính với bụi bặm nhìn rất thảm thương. Anh ôm đầu con vừa hôn vừa khóc thảm thiết. Còn anh tài xế chở đá khi gây tai nạn thấy cảnh khủng khiếp như vậy cũng hốt hoảng bỏ chạy,  nhưng bị dân chúng bắt được giao cho cảnh sát. Yadaw Kuma ôm đầu con gào khóc như người điên loạn. Cảnh sát và mọi người khuyên anh nên bình tĩnh để còn đi lượm thịt xương của con anh, sợ để lâu sẽ bị hôi thúi quạ và kênh kênh tới giành ăn là sẽ gây khó khăn cho dân làng!
Gần một tiếng đồng hồ anh mới chịu nghe lời cảnh sát và mọi người khuyên. Sau đó anh cùng dân làng đi tìm những mảnh thịt con anh bị xe cán văng tứ phía, dân làng cũng tiếp tay với anh nhưng khi họ tìm thấy thịt hay xương của con anh họ la lên để anh tới nhặt, vì họ sợ xui xẻo nên không ai dám nhặt dùm, đó là tục lệ của vùng này. Nhờ vào mùa đông thời tiết lạnh nên việc tìm kiếm cũng khá dễ. Mất gần 4 giờ đồng hồ, nhưng mọi người tìm hoài vẫn không thấy cánh tay trái và cái chân phải đâu cả.  Có người bảo có lẽ khi con anh bị xe cán thân thể văng tứ tung nên những con chó trong làng thấy và tha đi đâu nên không sao tìm được.
Yadaw Kuma bỏ thịt xương con vào cái thùng làm bằng tre, mướn xe định chở về sông Niranjara hỏa tán, nhưng anh lại quyết định đem xác con ra dòng sông Phanggu, nơi mà cách đây mấy ngày đã thiêu xác người vợ thân yêu của anh. Sau khi thiêu xong tro được các vị thầy tu rải xuống sông. Vị thầy tu Ấn Độ giáo bảo anh, anh đã làm gì ác lắm phải không, nên khi quăng tro con anh xuống dòng sông trong, tro có rất nhiều hình mặt kỳ dị hiện ra than khóc! Vị thầy tu Ấn Độ khuyên anh từ đây về sau nên làm việc lành lánh xa việc ác để cuộc sống sau này an vui hơn. Anh trả lời “Jiha Jiha” bằng tiếng Ấn Độ, có nghĩa là vâng vâng, và xá vị thầy người Ấn Độ kia lia lịa.
Khi về đến nhà thì anh đã kiệt sức vì vợ chết, con chết, đàn trâu bò cũng chết anh chẳng còn gì nữa ngoài thằng con út mới 12 tuổi và căn nhà nhỏ nằm hiu quạnh hoang vắng. Từ đó anh trở nên như người điên dại không cần gì nữa, cũng chẳng thèm ăn uống đầy đủ như thời còn vợ. Thế là anh cứ mua đồ ăn ngoài đường, ngoài phố cùng với đứa con út ăn cho qua ngày đoạn tháng. Ăn hoài cũng chán, thằng con út năn nỉ anh nấu cơm ở nhà ăn, anh trả lời ba không biết nấu nếu con biết nấu, nấu cho ba ăn với.  Dù không biết nấu nhưng khi nghe ba nói như vậy nó cũng xuống bếp thế là hai cha con lần đầu tiên được ăn cơm nhà từ khi vợ anh chết. Nấu được một thời gian không biết vì sao khi hai cha con cùng ngồi ăn cơm tự nhiên lại nằm lăn ra ngủ ngay bàn ăn ngon lành. Rồi làng xóm phát hiện nhà anh bị cháy từ căn bếp, mọi người hốt hoảng vì sợ lan qua các nhà khác, khi họ kéo đến nhà anh thì vẫn thấy hai cha con vẫn ngủ ngon lành trong căn nhà đang cháy. Lửa bắt đầu lan sang căn phòng chính thì hai cha con bất chợt tỉnh dạy vội vã chạy ra ngoài, chỉ một lát sau nơi mà anh đã từng sống bên những người thân nay chỉ còn là đống tro tàn. Hai cha con ôm nhau mà khóc bên bờ ruộng thảm thiết. Không lấy được gì cả, vật mà duy nhất còn lại là cái quần đùi đang mặc trên người. Thật là vô thường! Thật là đau khổ cùng tận! Lừa gạt gom góp của người khác để làm của cho riêng mình, muốn mình và gia đình mình hưởng thụ mà không nghĩ đến luật quả báo trả vay. Kết cuộc phải lãnh một cái giá quá đắt cho chính hành động của mình. Trời cao có mắt, quả báo nhãn tiền. Chuyện này xảy ra gần chùa Miến Điện Bồ Đề Đạo Tràng. Còn nhiều chuyện nhân quả khác xảy ra nơi Đất Phật mà chúng tôi đã tận mắt thấy tai nghe, nếu có dịp tôi mong mỏi sẽ được thuận duyên kể tiếp.




===================================================================================================
  Sợ Ma  


(trích “Dòng Đời Vô Tận” xuất bản 2010, trang 114-121)

Thượng Tọa Thích Trí Siêu trong một buổi giảng tại Quận Cam do nhóm Đuốc Tuệ tổ chức đầu tháng 10, 2010.

Con người ta có nhiều cái sợ, như sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ vợ hay chồng bỏ, sợ thất nghiệp, sợ nghèo, sợ đói, sợ nhiều thứ, v.v… Trong những cái sợ này có cả sợ ma. Không phải chỉ có con nít mới sợ ma mà nhiều người lớn cũng sợ ma.
Muốn hết sợ ma thì cần phải suy tư về thực chất của sợ và ma.
Sợ ma là một ảo tưởng sai lầm do tâm non yếu, thời thơ ấu thường bị người lớn vô tình (và dại dột) hăm dọa, đầu độc. Thí dụ như đến tối bảo con nít đi ngủ mà chúng không nghe thì dọa nếu không đi ngủ thì ma (hay ông kẹ, ngáo ộp) sẽ hiện ra bắt đi. Rồi khi màn đêm xuống thì kể chuyện ma, nói trong bong tối có ma, ghê lắm rồi bỏ chạy, làm cho tâm trí non nớt của đứa trẻ bị khủng hoảng, nó in đậm ma là một hình ảnh ghê rợn, dữ dằn cùng với bóng đêm. Những người lớn này (cha mẹ, dì cô, chú bác, ông bà) vô tình đã bỏ một chương trình sợ ma vào tâm đứa trẻ. Sau này lớn lên, dù 50 hay 60 tuổi vẫn còn sợ ma y chang như hồi con nít. Có những người vì sợ ma mà phải lập gia đình, cưới đại một người mà mình không thương yêu để khỏi phải sống một mình. Vì sợ ma mà người ta trở thành nô lệ, sống bám vào một người khác, không bao giờ dám ở nhà một mình, dù là ban ngày. Vì sợ ma mà tối ngủ bật đèn sáng trưng suốt đêm, có khi còn trùm mền kín mít dù trời nóng chảy mỡ. Sợ ma là một loại bệnh tâm thần khiến cho người bệnh khổ sở không ít.
Nói theo khoa học điện toán, “sợ ma” là một chương trình phá hoại (malware) đã bị cài đặt trong tâm, chỉ cần ai nhắc đến chữ “ma” thì tức khắc chương trình “sợ ma” nhảy ra hoạt động ngon lành. Nói theo danh từ Phật giáo thì “sợ ma” là một đại vọng tưởng, chỉ cần tưởng tới chữ “ma” thì tập khí “sợ” khởi lên ngay lập tức. Như vậy “sợ ma” là do cái tưởng sai lầm (thuộc tưởng uẩn) làm việc quá mạnh, lấn át cả lý trí (thức uẩn) và tư duy (hành uẩn). Khi tưởng tới chữ “ma” thì người đó mất tự chủ, chân tay bủn rủn, mặt mày tái mét, tim đập hồi hộp, chỉ chực bỏ chạy hoặc té xỉu.
Thuở xa xưa, người tiền sử thiếu văn minh, không hiểu các luật thiên nhiên, mỗi khi thấy sấm sét thì “tưởng” đó là thần sét (thiên lôi), mỗi khi thấy gió mạnh thì “tưởng” đó là thần gió, khi thấy động đất thì “ tưởng” đó là thần đất, từ đó họ “tưởng” ra đủ loại thần, thần nước, thần cây, thần lửa, thần bò, thần chó, v.v… và cúng tế các loại thần này.
Ngày nay, với khoa học văn minh, người ta hiểu rằng đó chỉ là những hiện tượng vật lý, không có “ông thần” nào trong đó cả.
Vậy thì “ma” có hay không?
Chữ “ma” theo nghĩa bình dân, đó là những người chết hiện về. Đa số đều nghĩ người chết được chôn hay thiêu thì phải biến mất, không bao giờ còn nữa, nếu hiện ra là một điều quái gở, bất bình thường và đáng sợ.
Theo Phật giáo có sáu loại chúng sinh, hay sáu loại cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, Atula, trời. Trong sáu loại này, con người với mắt thịt chỉ nhìn thấy được hai loại là người và súc sinh (thú vật), còn bốn loại khác mắt trần không thể nhìn thấy, trong đó có ma được xếp vào loại ngạ quỷ. Nói cách khác là tần số rung động (vibration rate) của họ khác với loài người.
Theo vật lý lượng tử, con người và tất cả sự vật đều là những năng lượng (energy) được cấu tạo bởi các nguyên tử (atom) và điện tử (electron). Vì là năng lượng nên luôn  rung động. Khi rung động dưới một tốc độ hay tần số nào đó thì các năng lượng này cô đọng lại thành một hình sắc. Thí dụ ban đêm ta đốt một bó đuốc cầm trên tay và đứng yên  thì người ở xa sẽ thấy một đốm lửa. Nhưng nếu ta cầm bó đuốc quay thật nhanh thì người ở xa sẽ thấy đó là một vòng lửa. Cũng thế, các loại chúng sinh mà ta gọi là “vô hình”,  họ có thân sắc được cấu tạo bởi những nguyên tử vi tế hơn và rung động khác với tần số loài người nên ta không trông thấy được. Không phải vì mắt không thấy mà cho là không có. Cũng như ngày nay, các làn vô tuyến của radio, tivi, điện thoại di động, giăng bủa chằng chịt khắp nơi, nhưng chúng ta đâu có thấy. Chỉ khi nào mở radio, tivi, vặn trúng tần số thì mới thấy hình và âm thanh.
Con người gồm có hai phần: vi tế và thô kệch. Phần thô đó là thân xác bằng xương bằng thịt. Phần vi tế là phần vô hình, được gọi dưới nhiều danh từ như linh hồn, tâm linh, tinh thần. Gọi là “vô hình” bởi vì mắt trần không trông thấy, chứ thật ra nó vẫn có hình tướng, một loại hình tướng vi tế, vì nó là một năng lượng sinh động. Phần thô kệch có thể ví như bóng đèn, phần vi tế “vô hình” ví như điện. Một người sống ví như bóng đèn có điện chiếu sáng. Khi bóng đèn bị bể thì dòng điện không biến mất, nó chỉ ẩn tang trong trạng thái vô biểu (non-manifest) hoặc đi vào những đồ điện tử khác như radio, tivi, máy tính, máy giặt, tủ lạnh, v.v…
Cũng thế, khi một người tắt thở thì tâm (hay linh hồn) sẽ lìa khỏi thể xác (physical body), tiếp tục hiện hữu ở trạng thái vi tế và đi tìm một cái xác khác để tiếp tục biểu hiện, trong đạo gọi là tái sinh hay đầu thai.
Ma và người là bà con, chỉ khác nhau ở chỗ còn thể xác thô kệch hay không. Người là một chúng sinh có thể xác bằng xương thịt, còn gọi là người dương. Ma là một chúng sinh không còn mặt áo bằng xương thịt, còn gọi là người âm, nhưng họ vẫn còn hiện hữu với một sắc thân vi tế, gọi là thể “vía” (astral body).
Sau khi hiểu được “sợ” là một vọng tưởng sai lầm, hay một chương trình bệnh hoạn, và “Ma” là một người âm, thì chúng ta cần phải sửa lại bằng cách gắn vào tâm một chương trình đối lập, giống như muốn trừ virus trong máy tính thì phải gắn chương trình anti-virus.
Có những phương pháp tự kỷ ám thị (auto-suggestion) dạy người ta lặp đi lặp lại một câu nói, thí dụ như “tôi không sợ ma” để đối trị lại “tôi sợ ma.” Nhưng phương pháp tự kỷ ám thị này không phải lúc nào cũng có hiệu quả.
Sự hoạt động của tâm thức gồm có tàng thức (tiềm thức), mạt na thức (vô thức), và ý thức, không phải đơn giản muốn nhồi sọ vài lần là  xong. Sự nhồi sọ cần nhiều thời gian may ra mới có hiệu quả. Riêng đạo Phật không hưởng ứng phương pháp nhồi sọ, mà dạy tư duy, quán chiếu, để hiểu rõ vấn đề theo chiều sâu thì mới có sự thay đổi thật sự.
Thông thường những người có tánh sợ ma là vì họ tin ma có thật và có thể làm hại mình. Nếu thực sự muốn hết sợ ma thì cần sửa lại chương trình là tin ma có thật nhưng không thể làm hại được mình.
Trước tiên nên cài vào tâm một câu hỏi mới: “Tại sao tôi không còn sợ ma nữa?” và ráng tìm câu trả lời. Câu hỏi này giống như một công án. Một công án thường vô lý và khó tin, giống như công án: “Thế nào là mặt thật của ta khi cha mẹ chưa sinh ra?” Chưa sinh ra thì làm sao có mặt mũi? Hoặc “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn  tay?” Một bàn tay mà làm sao vỗ được? v.v…
Với một người sợ ma và tự hỏi “Tại sao tôi không còn sợ ma nữa?” thì quả thật là vô lý. Câu hỏi này có hai công năng: một là nhồi sọ theo kiểu tự kỷ ám thị “tôi không còn sợ ma nữa,” hai là bắt tâm thức phải làm việc tìm câu trả lời. Càng moi óc tìm câu trả lời thì nó sẽ tác động sâu vào tiềm thức. Khi tâm lo tìm câu trả lời “Tại sao tôi không còn sợ ma nữa” thì vô tình nó đã chấp nhận là nó “không còn sợ ma nữa,” như thế là đã đi được nửa đường rồi.
Tìm ra một câu trả lời là phá trừ cái sợ được một phần. Tìm ra được hai câu trả lời là bớt sợ được hai phần. Nếu bạn là người sợ ma thì chính bạn phải tự tìm hiểu để trả lời, như thế mới có hiệu quả, nhưng ở đây xin giúp bạn một vài câu khởi đầu.
Tại sao tôi không còn sợ ma nữa? Tại vì:
Ma có thật, nhưng không có thể xác vật chất nên không bóp cổ tôi chết được.
Ma cũng là một con người, một chúng sinh, sống trong cảnh giới khác.
Ma thực sự không phải là ma, mà chỉ là…
Ma không phải lúc nào cũng hiện ra. Họ chỉ hiện ra khi nào có gì u uẩn cần sự giúp đỡ của người sống…
Thấy được ma là một điều hiếm có, không phải ai cũng có dịp may như vậy…
Nếu ma hiện ra thì chỉ hiện trong nháy mắt rồi biến mất, đâu có làm gì được ai…v..v…
Khi máy tính bị virus tấn công thì có rất nhiều chương trình chống virus như Norton, McAfee, Panda, BitDefender, AVG, Avast, Antivir, v.v… Cũng như thế, có rất nhiều cách để trị bệnh “sợ ma,” trên đây chỉ là một trong nhiều cách.
Một cách đơn giản khác là không dùng danh từ “ma” nữa, mà thay vào đó bằng “người âm” hay “linh hồn” (spirit). Bởi vì chữ “ma” đã thấm quá nhiều năng lượng của sự sợ hãi do “tâm thức cộng đồng” bơm vào. Khi nói đến chữ “ma” thì tức khắc nó khởi dậy trong tâm một cái gì ghê rợn, đáng sợ. Bây giờ, mỗi khi nghe ai nói hay nhắc tới chữ “ma” thì chúng ta phải nghĩ ngay đó là “ người âm” hay “chúng sinh vô hình.”  Làm được như vậy chính là đang sửa chương trình “sợ ma”.
Nếu bạn là người sợ “ma” mỗi khi nghe ai nhắc tới chữ “ma” thì hãy thử nói thầm chữ “ ma” bằng tiếng Pháp như “ Fantôme” hoặc tiếng Anh “Ghost,” hay tiếng Đức “Geist,” xem cái sợ tăng hay giảm? Bạn sẽ thấy cùng có nghĩa là “ma” nhưng khi nói tiếng khác thì cái sợ sẽ bớt đi nhiều, bởi vì người Âu Mỹ không sợ ma nhiều bằng người Á Châu.
 Ngoài việc sửa chương trình trong tâm ý, bạn cần phải sửa chương trình ngoài thân, tức là hành xử như thể mình “ không còn” là người sợ ma nữa. Thí dụ như đi vào bóng tối dù chỉ một hai giây, hoặc nhìn vào bóng tối xem có thấy ai không, hoặc ngồi trong bóng tối vài phút rồi tăng dần lên từ từ, hoặc nghe ai sợ ma thì đừng hùa theo mà phải “giả bộ” anh hùng, v.v… Nói cách khác, bạn hãy giả bộ đóng vai mình là người không còn sợ ma nữa. Ban đầu giả bộ đương nhiên rất khó, nhưng cứ giả bộ hoài thì sẽ thành.
Ngoài ra các bạn nên tìm đọc sách về thới giới bên kia cửa tử, để hiểu rằng “người âm” không có gì đáng sợ, mà ngược lại, họ cũng giống y hệt như mình và có lúc họ cần liên lạc với mình để cầu sự giúp đỡ, trong khi đó mình lại đi sợ họ một cách vô lý vì thiếu hiểu biết.

Tỳ kheo Thích Trí Siêu

No comments:

Post a Comment