Popular Posts

Tuesday 17 May 2011

Suốt 36 năm dài, một Nhà báo ở Hà Đông đi “tìm mãi yêu thương” khi hoài niệm Ngày 30.4





 
 
PARIS, ngày 22.4.2011 (QUÊ MẸ) - Cơ sở Quê Mẹ vừa nhận được bài viết của Nhà báo Nguyễn Thượng Long gửi từ Hà Đông nói lên tâm trạng của cả một thế hệ ở miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa khi nghe tin “chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975”. Rồi từ đó, “chiến thắng” ấy đưa dân tộc đi về đâu ? đưa nhân dân vào chốn “thiên đàng” nào ? Tác giả chỉ thấy một Pháp Trường Trắng dựng lên trên đất nước và trong lòng người. Pháp Trường Trắng, nói theo sự ví von của Nhà văn Nguyễn Tuân, là “Nơi không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết”.
 
Lâu nay, đa số người hải ngoại thường nghe nỗi lòng người miền Nam trước mối tang thương trầm thống của Tháng Tư Đen. Nhưng ít khi dược nghe nỗi lòng người miền Bắc về bi kịch lớn của dân tộc, thì đây là một trong những tiếng nói ấy của nhà báo Nguyễn Thượng Long.
 
Xin giới thiệu bạn đọc toàn văn bài viết ấy sau đây :
 
 

Hoài niệm Ngày 30 tháng Tư :

TÌM  MÃI  YÊU  THƯƠNG

 
“Xin kính dâng bài viết này cho Mẹ

và Quê Hương Việt Nam thân yêu”. (NTL)
 
Khi những cánh cổng sắt nặng nề của dinh Độc Lập bị các chiến xa và xe tăng Quân Giải Phóng húc đổ vào trưa 30 – 4 – 1975, thì trong một căn phòng nhỏ ở đường Yết Kiêu Hà Nội, có một người đàn ông gương mặt u uẩn, tóc trắng xoá xoã vai đang trầm ngâm bên chén rượu và cây đàn piano, ngay lúc đó, trong tay ông cây đàn đã rung lên những hợp âm làm xao xuyến lòng người :
 
“Từ nay người biết yêu người,

Từ nay người biết thương người ”.
 
Người đàn ông đó là nghệ sĩ đa tài Văn Cao và những ca từ, hợp âm trên cũng là tiết tấu chính, cảm hứng chủ đạo cho ca khúc tràn đầy tính nhân bản “Mùa Xuân Đầu Tiên”, cũng là ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác văn – thơ – nhạc – hoạ đầy trắc trở của ông.
 
***
 
Tôi nghĩ rằng đã là người Việt Nam, dù là người chiến thắng hay là kẻ chiến bại, dù ở đâu trên mặt đất này thì ai ai vào ngày tháng đó cũng thở phào và không ít thì nhiều đều có chung cảm hứng yêu thương nhau như vậy. Nhưng những gì đã diễn ra sau mốc lịch sử đó lại không hoàn toàn như vậy, đến nỗi hơn mười năm sau (1987), ngày ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, nhà văn NHT một lần phải thốt lên : “Vinh quang nào mà chẳng xây trên những nỗi điếm nhục !”. Tôi không biết tâm trạng của anh NHT lúc đó như thế nào mà lại phải thốt lên lời dữ dội như vậy.
 
Thế hệ chúng tôi và anh NHT sinh ra và lớn lên cùng với sự ra đời của nhà nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Độc lập Tự do Hạnh phúc”. Tuổi ấu thơ chúng tôi trôi đi cùng với những cuồng nộ của một thế thái nhân tình rất xa lạ với những phẩm chất truyền thống của một dân tộc bản chất là hiền hoà. Kí ức đầu đời của thế hệ chúng tôi chưa thể nhạt nhoà về những gì đã đến sau những phát triển quái gở của chủ thuyết “Đấu tranh giai cấp”, về con đường chuyên chính vô sản, về bạo lực cách mạng mà những người cộng sản đã du nhập vào đất nước chúng tôi. Vẫn còn nguyên đó những câu hỏi đầy ám ảnh :
 
- Tại sao lại phải “Đào tận gốc, trốc tận rễ” đám Trí – Phú – Địa – Hào… rồi bây giờ lại gọi đó mới chính là nguyên khí của đất nước !
 
- Tại sao sau CCRĐ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thay mặt Đảng thanh minh trước quốc dân đồng bào rằng : Một Đảng biết nhận ra khuyết điểm của mình, Đảng đó còn có thể tiến bộ, rồi ông lặng lẽ rút khăn tay lau nước mắt. ( !?).
 
- Tại sao lại phải cải tạo thực ra là đánh sập công thương nghiệp tư bản tư doanh tới 2 lần (Miền Bắc sau năm 1954 – Miền Nam sau 30/4/1975). Sau 1986 đến nay lại phải làm lại gần như từ đầu.
 
- Tại sao lại phải mở ra các “Pháp trường trắng” trong vụ đàn áp nhân văn giai phẩm và xét lại chống Đảng. Pháp trường trắng là : “Nơi không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết” – (Nguyễn Tuân). Thời gian và năm tháng đã trôi qua đã đủ để minh oan cho những con người tài hoa, dũng cảm và trung thực đó. Đến nay trên thực tế không ít người trong họ đã được vinh danh trở lại thì hỡi ôi người còn, người mất, người đang sống nhưng phải sống đời sống thực vật, cỏ cây, người tha hương biệt xứ mãi mãi ôm theo những kí ức đầy ám ảnh nặng nề, tại sao lại phải làm như thế ?
 
Hôm nay, lại một ngày kỷ niệm 30/4 nữa đến với đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta. Cái ngày lịch sử mà cựu Thủ tướng, cựu Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt đã từng ngậm ngùi mà nói : “Có triệu người vui ! Cũng có triệu người buồn !”. Không biết có phải vì đây là tiếng nói của một lãnh tụ cao cấp mà có tình trạng người vui thì gọi ngày 30 – 4 là ngày “Quốc Khánh”, còn người buồn thì gọi ngày này là ngày “Quốc Hận !”, xin được phép hỏi :
 
Tại sao sau ngày 30/4/1975 ngày con Lạc ở miền Bắc chiến thắng cháu Hồng ở miền Nam, người chiến thắng không thực lòng hoà hợp, hoà giải mà lại tạo ra những thương tổn không đáng có trong lòng những kẻ bại trận. Những ngày tháng tù đầy, cải tạo và phân biệt đối xử với quân nhân, viên chức chính quyền cũ và vợ con gia đình họ đến nay vẫn là những kí ức đầy hãi hùng. Vì những hãi hùng này mà ngày đó hàng triệu người con đất Việt phải liều thân bỏ xứ ra đi, mong kiếm tìm một vận hội mới. Người chiến thắng không chỉ làm ngơ mà còn không hiếm những kẻ trục lợi dựa trên cuộc tháo chạy kinh hoàng diễn ra trong nhiều năm đã làm biết bao gia đình tan nát, bao nhiêu người phải chết trong tuyệt vọng, phải khuynh gia bại sản, phải nhơ nhuốc vì hải tặc, phải hoài thân trong bụng cá, phải bỏ xác trên đảo hoang. Người sống sót không mấy ai tránh khỏi những sang chấn tinh thần không dễ bình phục.
 
Sau nhiều năm tha hương biệt xứ, nay người thành đạt, người không thành đạt, nhưng mỗi khi nhớ về quê hương, xứ xở bên cạnh những bồi hồi là nỗi ngậm ngùi : “Tổ Quốc ! Một dĩ vãng cần phải quên đi”. Đến nay đã có nhiều nhân vật nổi tiếng của chế độ VNCH… quyết định tìm về cố quốc với nhiều lý do, nhưng thực ra chỉ để được gửi nắm xương tàn, đã phải nhắm mắt bước qua những thị phi của người trong nước, phải bịt tai trước những la ó, của nhiều tha nhân cùng cảnh ngộ. Đặc biệt trong đoàn người ra đi năm đó, đến nay vẫn có quá nhiều người dường như vẫn chưa ra khỏi những ám ảnh của hận thù, thậm chí nhiều người vẫn thề không đội trời chung, không đứng cùng đất với cộng sản, đó chính là nguyên nhân làm nổ ra những cuộc biểu tình phản đối các vị nguyên thủ hôm nay của Việt Nam khi họ xuất ngoại, đặc biệt khi họ công cán qua những nơi có đông người đồng bào của mình ở & thực tế đã cho hay, cũng chẳng có gì là vui vẻ dành cho các nguyên thủ cũ, các nhân vật nổi tiếng của VNCH khi họ trở về Việt Nam. Sự dè bỉu đến với họ không chỉ đến từ những người Quốc Gia đang ở hải ngoại, mà còn đến từ chính những người dân trong nước. Nhiều người trong nước đã có một thái độ hợp lý đối với họ, nhưng đâu có phải người trong nước nào cũng vui vẻ với họ. Cho đến lúc này, không chỉ ở những hãng thông tấn vỉa hè, tôi chứng kiến quá nhiều người Việt Nam ở trong nước vẫn còn vô tư ngộ nhận rằng năm 1972 chính ông Nguyễn Cao Kỳ đã chỉ huy chiến dịch giải cứu tù binh Mỹ bị giam giữ ở quê hương Sơn Tây của ông ! Hãy nghe mấy ông Nhạc Sĩ Nhân Dân, đỏ ngực là huân chương, huy chương là giải thưởng nhà nước...lườm nguýt, chê bai, dè bỉu những gì về ông Phạm Duy ngay trên những trang báo lề phải.
 
Sau hơn 36 năm, với những gì mà chúng ta quan sát được cho thấy, ngày 30/4 đâu có hoàn toàn chỉ là biểu tượng của sự toàn bích. Bên cạnh những giá trị tự thân, ngày đó cũng làm xuất hiện những chia rẽ mới rất đáng tiếc đối với nhiều thế hệ người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước như điều mà ông Võ Văn Kiệt đã nói : “Triệu người vui – Triệu người buồn”.
 
Tôi tin rằng đến nay nếu phải nhắc lại cuộc chiến tranh đó, nghĩ lại những gì đã xẩy ra trong ngày 30 / 4 / 1975, người Mỹ chỉ coi đó là một kỷ niệm buồn cùng với những toan tính thành công và cả không thành công của họ. Điều gọi là“ Hội chứng Việt Nam vẫn còn là bóng ma ám ảnh nước Mỹ” chỉ là sản phẩm của tưởng tượng.
 
Chưa người Việt Nam nào đã quên Tuyên Bố Thượng Hải ngày 28 /2 /1972. Đó là cuộc mặc cả trên lưng người Việt Nam ở cả 2 miền của Hoa Thịnh Đốn và Trung Nam Hải, là cú “Đi Đêm” đầy tai tiếng giữa Nixon và Mao. Đặc biệt là sau khi Hội Nghị Ba Lê được các bên ký kết, Mỹ chính thức bước ra khỏi cuộc chiến, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà, Mỹ không chỉ có lỗi với đồng minh chiến lược của mình, Mỹ có lỗi với cả dân tộc Việt Nam khi dửng dưng, ngoảnh mặt đi để Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam (1974) và từ đó cho tới ngày 30 / 4 / 1975 trong tiếng gầm thét của cỗ máy chiến tranh trong tay người Việt Nam, chỉ có người Việt Nam chúng tôi ở 2 bên là ngã xuống trong cuộc lao vào nhau, chém giết nhau, thanh toán nhau chí mạng chứ đâu có người Mỹ.
 
Để khai thông được con đường vào Hoa Lục, ngay từ ngày đó, người Mỹ đã tạo ra một tư thế Địa Lý Chính Trị rất bất lợi cho dân tộc chúng tôi khi chúng tôi phải tồn tại bên cạnh “Anh chàng khổng lồ” đầy tham vọng Trung Quốc đã tay trong tay với Hoa Kỳ lúc mà Liên Xô đồng minh chiến lược của Việt Nam đã quá già yếu.
 
Hình ảnh một Đặng Tiểu Bình, 10 h sáng 29/1/1979 tại thảm cỏ trước Nhà Trắng, xúng xính trong bộ đồ của một cao bồi miền viễn tây nước Mỹ và những gì mà ông ấy đã nói ở đó về “Mèo Trắng – Mèo Đen”, về kế hoạch sẽ dậy cho bọn tiểu bá côn đồ Việt Nam một bài học đã là quá đủ để nói : Người Mỹ đâu có trắng tay sau cuộc chiến ở Việt Nam. Nếu sau ngày 30 / 4 / 1975 người Mỹ không dang tay đón nhận làn sóng Thuyền Nhân Việt Nam bỏ xứ ra đi…thì hình ảnh Hiệp Sĩ Nhân Quyền Hoa Kỳ chắc chắn sẽ hoen ố, sẽ chẳng ra gì trong con mắt của người Việt Nam.
 
Về một phương diện khác, tôi nghĩ : nếu người chiến thắng vẫn cứ giữ mãi nỗi hoan hỉ ngày 30 / 4 là ngày đánh dấu sự kiện “Đánh cho Mỹ cút – Đánh cho nguỵ nhào”, chúng ta cũng sẽ rất khó giải thích những chuyển động chính trị trong xã hội Việt Nam những ngày gần đây.
 
Về mối quan hệ hôm nay giữa Mỹ và Việt Nam, bên cạnh xu thế nồng ấm thì lại mới có một sự cố thật khó hiểu. Chỉ vì đến thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý mà ngài tùy viên chính trị sứ quán Hoa Kỳ bị mấy ông an ninh Huế cho “Lên bờ xuống ruộng” mà sau đó Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng chỉ khiêm nhường bầy tỏ “Sự quan ngại...”, dường như người Mỹ thời Obama không mặn mà với quyền con người cơ bản thì phải ! Người Mỹ đang toan tính gì ? Ban lãnh đạo Việt Nam đã gửi đi thông điệp gì từ vụ ra tay này ? Không biết dân tộc chúng tôi sẽ đi về đâu trong tư thế Địa Lý - Chính Trị mới với sự xưng hùng xưng bá ngày càng công khai của Trung Quốc, sự lùi bước đã đến giới hạn cuối cùng của ban lãnh đạo Việt Nam trước Thiên Triều, sự ngày càng xa rời những mục tiêu dân chủ của nước Nga đồng minh cũ của Việt Nam, sự suy yếu trông thấy của siêu cường Nhật Bản, sự vùng lên của Bắc Phi và Trung Đông, cùng với sự hiện diện ngày càng sâu của sức mạnh Hoa Kỳ trên Biển Đông và Đông Nam Á. Đây là câu hỏi bỏ ngỏ xin dành cho tất cả mọi người Việt Nam còn quan tâm tới thời cuộc.
 
Chúng ta vẫn thường tự tôn về truyền thống văn hiến hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, trong khi đó nước Mỹ chỉ mới lập quốc hơn 230 năm, nhưng sau chiến tranh Nam – Bắc Mỹ (1862 – 1865), giữa bên chiến thắng và bên chiến bại … họ đã có cách hành xử hòan toàn khác chúng ta là : Lấy sự hoà hợp thay cho oán thù.
 
Sau ngày 30/4/1975, không làm như người Mỹ, chúng ta cũng chẳng làm như tổ tiên chúng ta đã làm trong những tình huống tương tự. Những gì đã diễn ra sau thời điểm đó được hiểu như một cuộc tính sổ không cần thiết giữa kẻ thắng và kẻ bại trận. Nhiều người thuộc thế hệ tôi đã từng đặt ra một hoán vị giả định :
 
Sau hiệp nghị Giơnevơ 1954, phía Bắc vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân miền Nam họ sẽ sống với Đảng cộng sản. Đảng sẽ dúi vào tay họ khẩu AK47 được sản xuất từ Liên Xô. Nam vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân của miền Bắc. Họ sẽ sống với những người quốc gia. Trong tay họ là những khẩu AR15 được sản xuất ở Hoa Kỳ hay ở Tenavip. Điều gì sẽ xảy ra đây ? Lịch sử sẽ phải viết khác đi chăng ? Tôi nghĩ rằng không thể. Người miền Nam mà sống ở miền Bắc cũng sẽ biết thế nào là đấu tố trong cải cách ruộng đất, thế nào là :
 
“Mang bục công an đặt giữa trái tim người,

Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước”
(Lê Đạt)
 
sẽ phải thắt lưng buộc bụng, phải làm viêc bằng 2 để xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn phải dốc sức để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” như lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh. Người miền Bắc sống ở miền Nam cũng làm sao mà tránh khỏi những ngày quân trường Thủ Đức, có học hành chút ít như trang lứa chúng tôi tránh sao khỏi những ngày võ bị Đà Lạt ! Rồi tất cả cũng phải dốc sức để “Bắc Tiến”, để “Lấp sông Bến Hải !”, dốc sức để “Kéo dài biên giới Hoa Kỳ đến vĩ tuyến 17” như lời kêu gọi của ông Ngô Đình Diệm, phải tiếp thụ những huấn thị : “Đừng nghe những gì cộng sản nói – Hãy nhìn xem những gì cộng sản làm” của ông Nguyễn Văn Thiệu, phải cầm phấn viết tên mình lên những trái bom sẽ ném xuống đầu người dân Miền Bắc như những gì mà ông Nguyễn Cao Kỳ đã từng phải làm lần ông ra sân bay Đà Nẵng.Và nếu như lịch sử lại có một kết cục ngược lại, ngày 30 /4 / 1975 lại kết thúc chiến tranh ở Hà Nội ! thì liệu người dân Miền Bắc có thoát được những cuộc tập trung cải tạo để tẩy não như ngày nào ông Diệm “Tố Cộng”, lê máy chém đi lấy đầu cộng sản theo Luật 10/ 59 ! Vậy là bi kịch vẫn đến với dân tộc chúng ta như một thứ tiền định.
 
Thế thì không chỉ người dân mà những kẻ buộc phải cầm súng ở cả hai bên xét cho cùng đều là những quân cờ vô tội trên bàn cờ xung đột ý thức hệ do những triết thuyết ngoại lai chi phối. Hoàn toàn đúng như những gì mà nhà thơ Nguyễn Duy đã viết trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ xa” :
 
“Xét cho cùng với mọi cuộc chiến tranh

Một bên thắng còn nhân dân đều bại !”
 
Nếu các “Đấng chăn dân” ở cả hai bên cùng nghĩ được như thế, thảm kịch đã không xảy ra. Kho tàng tiếng Việt đã không phải xuất hiện những cụm từ quá biểu cảm “Thuyền nhân” (Boat People để chỉ những người bỏ quê hương ra đi bằng thuyền). Sau này là cụm từ “Dân oan” ( Chỉ những người dân gặp phải oan ức trong đời sống Việt Nam đương đại). Vào những tháng năm ly loạn đó, không một ai nghĩ rằng lại đến lúc những kẻ : “Macô, đĩ điếm, lười lao động đáng nguyền rủa” lại được Đảng ta “Trìu mến” gọi là “Khúc ruột ngàn dặm !”… Không mấy ai nghĩ được lại có lúc nhiều tỉ USD hàng năm đã lăn ngược những con đường đầm đìa nước mắt của những thuyền nhân bỏ xứ lăn tìm trở về tiếp máu cho đất nước đang ngày càng tụt hậu với khu vực và quốc tế, đang loay hoay kiếm tìm “Chiếc Lá Diêu Bông” xã hội chủ nghĩa !. Điều này là một bất ngờ là một trớ trêu của lịch sử dân tộc. Nhưng lần này có thể nói đó là một trớ trêu có hậu.
 
Hôm nay, Đảng đã hạ mình nhận anh, nhận em với những người bỏ xứ. Ngay từ Xuân Mậu Tý, ông Nguyễn Minh Triết - Chủ Tịch nước, ông Phạm Thế Duyệt nguyên UVBCTĐCSVN, nguyên Chủ Tịch MTTQVN, ông Nguyễn Cao Kỳ - Nguyên Phó Tổng Thống, Nguyên Thủ Tướng VNCH, ông Đỗ Mậu – Nguyên Tổng Thanh Tra quân lực VNCH, ông Phạm Duy – Nguyên cán bộ văn hoá kháng chiến của chiến khu Việt Bắc, một trong ba nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại ( Phạm Duy – Văn Cao – Trịnh Công Sơn) đã hoà hợp dân tộc ở mức tay trong tay mà ánh mắt nhìn nhau chưa hết bẽ bàng !
 
Nguyên Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ và Chủ Tịch CHXHCN VN Nguyễn Minh Triết đang tay trong tay.
Nhạc Sĩ Phạm Duy với Sổ Hộ Khẩu và Chứng Minh Thư nhân dân.
 
Vào thời điểm tôi đang viết những dòng chữ này, các Fan hâm mộ các ca sĩ hải ngoại của cư dân nơi tôi ở đang vô cùng háo hức đón chờ thế hệ hậu duệ của những tài danh Chế Linh (Chế Phong), người hùng Biệt Động Quân Duy Khánh với quý tử Chế Phi cùng với những siêu sao cỡ Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, Elvis Phương, Trường Vũ, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên… đã “Nối vòng tay lớn” điều mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ao ước ngay từ buổi trưa 30/ 4 của 36 năm về trước ! Sao lại phải muộn màng đến như vậy ! Đây thực sự là hoà hợp hay chỉ là một thứ chính trị thớ lợ !?...Hay đây là một dẫn chứng sinh động cho điều mà ông Võ Văn Kiệt đã từng nói : “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ Quốc Việt Nam không của riêng một ai, một Đảng, một phe phái, hay một tôn giáo nào”. Những cuộc “Nối vòng tay lớn” tương tự đã, đang và có thể sẽ còn diễn ra dồn dập hơn nữa, liệu quá trình đó có làm lu mờ đi vừng hào quang của chiến thắng 30/4/1975 ?
 
Câu trả lời đã quá rõ : Chúng ta đã “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của… (không) trí tuệ” ( Hà Sĩ Phu) và cái giá của cuộc tương tàn để có một xã hội như thế này…thật là thê thảm & vô nghĩa. Tôi nghĩ, nếu được làm lại thì những người Việt Nam yêu nước, thương nòi, có văn hoá, có nhân cách, có lòng tự trọng… sẽ hành xử khác những gì mà những người chiến thắng đã làm sau ngày 30 – 4 – 1975.
 
Thử hỏi trong lịch sử dân tộc, có giai đoạn nào, có thời kỳ nào và vì ai mà nội lực dân tộc bị huỷ hoại, suy yếu vì chia rẽ, vì ngờ vực lẫn nhau lại dai dẳng, bi thương, sâu sắc & nghiêm trọng đến như vậy ! Tương lai của dân tộc rồi sẽ ra sao ? Ai là người có lỗi trước tiền nhân ? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây ?
 
Thế mới biết : Con đường để Việt Nam đi đến dân chủ là không hề đơn giản như tên gọi của các loài hoa. Ngày mà người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước có được một tiếng nói chung, một lộ trình chung, một đề án chung để Tổ Quốc Việt Nam hiện diện trong thế giới nhốn nháo này ở tư thế ngửng cao đầu, xứng tầm với những gì mà dân tộc lẽ ra phải được khẳng định từ lâu rồi, những gì mà Văn Cao ao ước :
 
“Từ nay người biết yêu người,

Từ nay người biết thương người”.
 
có lẽ vẫn còn xa vời lắm và lại như một định mệnh, với “BỮA TIỆC DÂN CHỦ” của nhân loại, chúng ta sẽ vẫn chỉ “MÃI MÃI LÀ NGƯỜI ĐẾN SAU”.
 
 
Lời cuối : Khi giao tiếp với cuộc đời, tôi đã phải nhân danh rất nhiều tư cách. Khi tôi chống tiêu cực trong giáo dục, khi tôi bênh vực những người là dân oan, khi tôi cầm lá phiếu đi bầu, khi tôi tự ứng cử Quốc Hội 12, khi tôi “Sống, làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật”, khi tôi thực thi những gì trong các Tuyên Ngôn – Công Ước quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện, khi tôi thực thi quyền tự do ngôn luận , tự do báo chí, quyền được phản biện và bảo lưu chính kiến của mình…đấy là tôi sống với tư cách một “Con Người Chính Trị”, “Con Người Công Dân”. Khi tôi phải gồng mình lên trước những nghịch cảnh đến từ thiên nhiên , đến từ chính đồng loại của mình theo kiểu “Con giun xéo lắm cũng quằn”, hoặc khi tôi đi theo tiếng hú gọi từ “Nơi Hoang Dã” …ấy là tôi đã sống trong tư cách của “Con Người Bản Năng – Con Người Sinh Học” và dù phải hiện diện trong trong tư cách nào thì tất cả phải chung một mẫu số CHÂN – THIỆN – MỸ. Để viết bài này, tôi đơn giản chỉ nhân danh là “Con Người Chính Trị”, “Con Người Công Dân” khi bầy tỏ những hoài niệm của tôi về ngày 30 / 4 / 1975, mốc thời gian đã đi vào lịch sử của dân tộc với biết bao hệ luỵ chi phối tới đời sống tinh thần của toàn thể cộng đồng.
 
Có thể lắm, khi đọc bài viết này, sẽ có người lên án tôi, bóc mẽ tôi chỉ vì tôi không suy nghĩ như họ. Xin mời ! Tôi chủ trương không đối lời, không tranh biện. Tôi “không…” không phải là tôi không dám…tất cả cũng chỉ vì tôi là một tín đồ của ĐA NGUYÊN, là tín đồ của đa nguyên, tôi chấp nhận mọi ý kiến đối lập.
 
Nhân đây tôi có lời minh định về việc có một số trang báo khi khai thác bài “Cách Mạng đâu có đơn giản chỉ là hiệu ứng của đám đông” của tôi, đã có sự biên tập không chính xác so với văn bản gốc. Cụ thể, tôi viết : “Với tư cách là một con người chính trị…”, đã được biên tập lại thành : “ Với tư cách là một người hoạt động chính trị…”. Việc xuất hiện động từ “Hoạt Động” trong cụm từ “một người hoạt động chính trị” đã gây ra những ngộ nhận không đúng về tôi.
 
Những sai lạc này là đáng tiếc, rất cần được nhìn nhận và rút kinh nghiệm./.
 
Thành phố Hà Đông những ngày đầu tháng 4 năm 2011Nhà Báo : NGUYỄN THƯỢNG LONG

No comments:

Post a Comment