Popular Posts

Monday 16 May 2011

GIỚI THIỆU SÁCH HAY:" NGÀN GIỌT LỆ RƠI " CỦA ĐẶNG MỸ DUNG

__

ĐẶNG MỸ DUNG


Website NGÀN GIỌT LỆ RƠI

Lời Nói Đầu

     Hơn hai mươi năm sau khi Hoa Kỳ rút các lực lượng quân sự khỏi Việt Nam, người Mỹ vẫn còn trăn trở với niềm đau và sự mất mát, hậu quả của trận chiến đầy chia rẽ này. Ngày ngày từng đám đông tụ tập trước Bức Tường cẩm thạch đen ở Washington, D.C., để tưởng nhớ gần sáu mươi ngàn quân nhân Mỹ đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc xung đột; những phim ăn khách như Forrest Gump nhắc nhớ chúng ta hậu quả đẫm máu về vật chất và tinh thần của cuộc chiến; hài cốt của người Mỹ mất tích bị trao trả một cách chậm chạp, nên đầy đau thương, mang sự đóng lại cho một ít gia đình, trong khi bao gia đình khác tiếp tục khắc khoải ngóng trông; cả nước tranh cãi, hoan nghênh lẫn chống đối, nhen nhúm khi McNamara đánh giá lại việc Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự tại Đông Nam Á. Những bài diễn văn nẩy lửa làm lay động sàn nhà Quốc Hội khi tổng thống khai thông quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
      Cơn bình phục tình cảm của cả nước còn bị lòng trắc ẩn đối với một dân tộc vốn không phải là “kẻ thù” làm thêm phức tạp. Hình ảnh của những gia đình Việt Nam chạy khỏi xóm thôn bốc cháy, những trận mưa bom lửa tưới xuống ruộng đồng, và những gia đình bị ly tán vì cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn còn mãi trong tâm trí chúng ta như mới xảy ra. Từ bối cảnh khủng khiếp đầy ác mộng đó, giờ đây hiện lên câu chuyện thật của một cá nhân về danh dự và lòng dũng cảm, như một minh chứng cho tâm thức nhân loại.
      Trong Ngàn Giọt Lệ Rơi, Yung Krall—con gái của Đại sứ Cộng sản Việt Nam ở Liên Xô trung thành với Hồ Chí Minh, và là cháu ngoại của một người yêu nước Miền Nam Việt Nam, được dạy dỗ và nuôi dưỡng trong niềm tin dân chủ—đã kể lại cái “tài khoản cá nhân” của đời mình giữa lằn đạn dọc ngang.
      Mỹ Dung lớn lên trọn trong lòng của cuộc chiến và, trong khi người cha không hiện diện, Mỹ Dung đã thấm đẫm lý tưởng tự do và dân chủ. Mỹ Dung kết hôn với một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ và sang Mỹ, mang theo những gì đã học được từ gia đình khác biệt của mình. Trong thời gian nhậm chức Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ, tôi được biết Mỹ Dung như là một đóng góp quý báu trong cộng đồng tình báo chúng ta, khi cô hoạt động cho Cơ Quan Tình Báo Trung Ương. Tình yêu nước Mỹ đã dẫn dắt cô trở thành nhân chứng then chốt trong vụ án gián điệp mang tên Con Rồng Kỳ Diệu / Magic Dragon, mà cô biết chắc chắn sẽ đặt cô và đứa con trai nhỏ của cô trước vô cùng hiểm nguy.
      Yung Krall đúng là một công dân Mỹ vĩ đại. Tôi nhiệt liệt tán thưởng sự nghiệp của cô đối với nước ta, và tôi vui mừng thấy câu chuyện của người phụ nữ xuất sắc nầy cuối cùng đã được để cho mọi người cùng đọc và biết đến. Hy vọng của tôi là cuốn sách nầy sẽ đóng góp vào quá trình hàn gắn vết thương và xiết chặt tình cảm ở đất nước nầy và ở Việt Nam.
Griffin Boyette Bell
Former U.S. Attorney General
Cựu Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ
Tháng 10, năm 1995

---------------------------------------------------------------------------------

Đôi dòng về tác phẩm và tác giả “Ngàn Giọt Lệ Rơi”

Tôi có một món nợ tinh thần với nhà văn Đặng Mỹ Dung, tác giả cuốn “Ngàn Giọt Lệ Rơi”. Tôi có hứa với Chị  từ mười mấy năm qua là sẽ viết một bài ngắn giới thiệu cuốn sách, hồi NGLR còn là “A Thousand Tears Falling”, thế mà vẫn chưa làm được! Trong khi tác giả lại đánh giá khá cao khả năng viết lách của tôi, mỗi lần ra mắt sách ở đâu chị Mỹ Dung hay nhắn với tôi là nếu rảnh thì viết dùm ít dòng giới thiệu cuốn sách! Tôi có thành thật cho Chị biết tôi chỉ là một độc giả thường, không có khả năng viết như một nhà phê bình văn học, thì Chị nhắn lại là xin cứ thoải mái viết ít dòng như một độc giả thường và nhà văn còn “gà” cho tôi là: “Anh cứ viết với nội dung như trong lá thư độc giả anh viết cho tui hồi đó đó”.

Thế rồi có lần sau khi ra mắt sách ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, chị Mỹ Dung có viết cám ơn tôi đã có nhã ý hỗ trợ Chị. Hoá ra có một độc giả nào đó của Chị đã gửi đôi dòng lên báo giới thiệu cuốn “A Thousand Tears Falling”, chị Dung yên chí người đó là tôi nên viết thư chân thành cám ơn. Tôi cải chính thì không nỡ mà nhận công thì cũng mắc cở… Thôi thì lần này tôi nhất quyết viết giới thiệu cuốn sách, nhất là tác giả lại vừa thực hiện thêm ấn bản tiếng Việt “Ngàn Giọt Lệ Rơi”.

Cách đây mười mấy năm, tôi được nghe nói có một phụ nữ Việt Nam làm điệp viên cho CIA vừa thực hiện một cuốn hồi ký, đó là cuốn “A Thousand Tears Falling”, tôi hiếu kỳ tìm đọc và cuốn sách đã không làm tôi thất vọng. Tôi còn nhớ bắt đầu vào lúc 8 giờ tối ngày Thứ Bẩy, tôi đã đọc liên tục trên 400 trang Anh ngữ và xong vào lúc 1 giờ trưa ngày Chủ Nhật hôm sau. Mà những đoạn hấp dẫn nhất đối với tôi không phải là lúc Đặng Mỹ Dung làm gián điệp cho CIA, mà là lúc ông Bố, một cán bộ Việt cộng có tên là Đặng Quang Minh lên đường ra Bắc tập kết vào giữa thập niên 50 và khi Mỹ Dung và chồng của chị tìm cách đưa Mẹ và các em rời VN qua Mỹ vào tháng 4 năm 1975.

Cá nhân tôi là một người Bắc, tôi xa Hà Nội năm lên 14, nên thấu hiểu cái tâm trạng của một anh Bắc Kỳ Di Cư. Không những thế, các sáng tác liên hệ tới cuộc di cư năm 1954 của đồng bào Miền Bắc phải nói là rất nhiều về cả truyện, nhạc cho tới phim ảnh nữa.  Trong khi đó, tôi chưa bao giờ được đọc một cuốn truyện về người Miền Nam theo Việt cộng ra Bắc tập kết, vì vậy dầu đã sống mười mấy năm ở Miền Nam, tôi chưa bao giờ cảm nhận được hoàn cảnh của những gia đình đồng bào có thân nhân tập kết. Cuốn NGLR đã đem lại cho tôi cảm nhận này. Qua cuốn truyện, tôi đã thấy được chuỗi ngày cực kỳ khó khăn của họ, và điều không ngờ là chính cái “gia đình Việt cộng” này lại trở thành một gia đình chống cộng. Tôi cũng không ngờ, sau 20 năm sống trên đất Mỹ, nhờ tác phẩm của Đặng Mỹ Dung tôi mới hiểu thêm được một phần rất lớn về Đồng Bào Miền Nam của tôi… Tôi còn cảm nhận thêm về điều mà Vương Hồng Sển gọi là Văn Minh Miệt Vườn qua cung cách và ngôn từ của một ông già Nam Kỳ: Ông Ngoại của tác giả. Chúng ta ai mà chẳng có một Ông Ngoại, nhưng khó có một Ông Ngoại người Bắc hay người Trung có lối hành xử có tình, có lý và hào hiệp như ông già người Nam, cựu Xã trưởng Bang Thạnh, ông Ngoại của Mỹ Dung.

Một đặc điểm khác là trong cuốn NGLR, ngoài nhân vật chính là bản thân tác giả, còn một số nhân vật nữ khác trong gia đình của Chị cũng đã được mô tả trong cuốn truyện. Mỗi nhân vật này đều có sắc thái đặc biệt, mà nếu một trong những người đó ở vào địa vị của Mỹ Dung thì cũng có thể trở thành một điệp viên xuất sắc không thua gì tác giả. Trong NGLR, không một lúc nào Đặng Mỹ Dung tỏ lộ xu hướng bảo vệ nữ quyền hay đề cao vai trò của gới nữ lưu, nhưng tôi chắc chắn một người ngoại quốc, sau khi đọc “ Thousand Tears Falling”, sẽ đặc biệt kính trọng và nể phục phụ nữ VN.

Tóm lại cuốn NGLR là một cuốn truyện đem lại cho độc giả sự hiểu biết về văn hóa và xã hội nước Ta, đặc biệt nhất đây là một cuốn Việt sử sống động ghi lại giai đoạn từ thập niên 50 tới thập niên 80. Tôi thành thật khuyên các bạn trẻ VN sinh trưởng tại hải ngoại nên đọc cuốn sách này (nhất là lại có ấn bản bằng Anh ngữ). Tôi không biết đích xác số người đã đáp ứng lời khuyên của tôi cho tới nay là bao nhiêu, nhưng ít nhất tôi đã “bán dùm” cho chị Mỹ Dung trên 50 cuốn. Riêng trong gia đình tôi đã mua 4, ngoài cuốn của riêng tôi, tôi tặng cho các con mỗi cháu một cuốn và con gái tôi đã giúp phát hiện thêm một đặc tính của cuốn “A Thousand Tears Falling”. Có lần cô ấy đi làm về bằng Metro, đã quên không xuống Station của mình vì mải đọc ATTF, hoá ra sách của Mỹ Dung không những chỉ hấp dẫn với thế hệ “nặng nợ” với VN như những ai cùng lứa tuổi với tôi, nó còn lôi cuốn cả những người trẻ chưa hề đặt chân về mảnh đất quê hương của Tổ Tiên mình.

Tôi trở thành một người bạn của ATTF, của NGLR trước khi làm quen với tác giả Đặng Mỹ Dung. Trong một thư viết cho chị Mỹ Dung, tôi có trích gửi một dòng thư tôi viết cho các “chuẩn độc giả” của chị. Có lẽ vì dòng giới thiệu này tôi đã được tác giả “nâng cấp” từ độc giả lên làm “giới thiệu viên”. Tôi xin ghi lại nơi đây dòng chữ của tôi giới thiệu cuốn Ngàn Giọt Lệ Rơi mười mấy năm về trước:

“Nếu bạn chỉ có thì giờ đọc 1 cuốn sách trong năm, tôi khuyên bạn nên đọc cuốn Ngàn Giọt Lệ Rôi”.

Hoàng Cơ Định

1 comment:

  1. Mới nhận được tin dữ là tác giả Đặng Mỹ Dung mới qua đời !
    Con người có sống, có chết là lẽ thường, nhưng tôi vẫn chưa muốn tin đó là sự thật, đang tìm cách liên lạc với người thân tại Atlanta để phối kiểm nguồn tin này.
    11:18 PM, 25/3/2023

    ReplyDelete