Popular Posts

Tuesday 17 May 2011

LÊ VĂN KHOA MỘT NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐA TÀI ......

HOA XUÂN
 
Mùa Ðông lạnh giá, tuyết phủ vạn vật là lúc cây cỏ được giấc ngủ dài. Trời bớt lạnh lần từ từ ra khỏi giấc mơ, nhựa sống luân lưu và cây cỏ bắt đầu nẩy mầm. Tuyết tan chảy ngập các dòng suối, ánh sáng chan hòa khắp nơi đem hơi ấm sưởi trần thế là lúc hồi sinh của vạn vật, người ta gọi đó là XUÂN. Xuân cho con người hình ảnh hoàn toàn khác với Ðông. Ðông ở những vùng có tuyết, người ta chỉ thấy một màu trắng lạnh lẽo. Xuân tưng bừng với muôn sắc hoa tràn ngập màu ấm.
Nhiếp ảnh gia Tăng Khánh Lượng cho ta một cái nhìn khái quát về hoa Xuân. Vườn hoa tươi thắm làm người khao khát muốn tìm hiểu nhiều hơn, để thấy hình ảnh Xuân trong thiên nhiên hơn là nhà cửa, dinh thự, những tòa nhà cao ngất che hết tầm nhìn của ta. Ông hướng dẫn chúng ta vào rừng một sáng sớm. Sương mờ còn đó, nhưng những cành Dogwood đã nở đầy hoa trắng tạo màu sắc hòa hợp với sương mù.
Sự hồi sinh không phải chỉ có trong thảo mộc. Thú vật cũng bừng tỉnh sau giấc ngủ mùa Ðông, phục hồi sinh lực, chạy nhảy khắp nơi và chim hót líu lo đầu cành. Tất cả gợi cho con người một tươi vui mới, một nguồn sống mới.
Ðất cũng tham gia vào cuộc sống, tiết ra chất dinh dưỡng để nuôi cây cỏ, tỏa ra một mùi nhẹ thoang thoảng trong không khí mà người ta gọi là mùi đất mới.   
Tăng Khánh Lượng: Dogwood (Sơn Thù Du)
Tăng Khánh Lượng mời ta đến gần hoa cây Dogwood (Sơn Thù Du) để quan sát hoa kỹ hơn. Hoa đẹp dấy chứ. Nó tương tự như hoa mai trắng, đem chưng trong nhà trong mấy ngày đầu Xuân chẳng hại gì.
Dogwood là loại hoa khá phổ thông và được ưa chuộng của Hoa Kỳ. Tiểu bang Virginia đã chọn cả cây và hoa làm biểu hiệu cho mình từ thời Nam Bắc phân tranh. Missouri chọn cây Dogwood làm cây biểu tượng của tiểu bang. North Carolina chọn hoa Dogwood làm hoa chính của tiểu bang. Nhiều lễ hội Dogwood được tổ chức ở nhiều tiểu bang khác. Hoa được ưa chuộng đến tên của hoa này được dùng đặt tên cho nhiều thành phố ở Hoa Kỳ, Dogwood City.
Dogwood có nhiều giống với nhiều màu hoa khác nhau, nhưng hoa trắng thịnh hành hơn hết, như hoa trong ảnh này.
Người ảnh Tăng Khánh Lượng giới thiệu với ta một loại hoa khác, tên Magnolia (Mộc Lan). Loại hoa này có rất nhiều giống. người ta cho loại hoa này đã xuất hiện trước khi có loài ong bướm để giúp hoa truyền giống. Vì được loài bọ vỏ cứng, nặng nề, tiếp nhụy nên hoa có cánh cứng để chống đỡ thân bọ. Magnolia lấy theo tên Magnol, một nhà nghiên cứu thảo mộc Pháp. Hoa có nhiều màu khác nhau.   
Tăng Khánh Lượng: Magnolia (Mộc Lan)
Primrose (Anh Thảo) là loài hoa có cánh mềm, có nhiều màu, người ta thường trồng trong sân nhà. Tăng Khánh Lượng chụp cận ảnh trong ánh sáng dịu, giúp ta thấy được những đường gân trong từng cánh hoa. Cánh hoa mong manh, màu sắc dịu dàng rất thích hợp với lòng người yêu vẻ đẹp thùy mị.  
Tăng Khánh Lượng: Primrose (Anh Thảo)
Người ảnh Vy Văn Ðô đưa ta vào sự thưởng ngoạn hoa hơi khác. Ông đem hoa vào nhà, nghiên cứu bố cục. điều chỉnh ánh sáng cẩn thận trước khi chụp hình. Mời quý vị xem loài hoa có tên là Bird-of-Paradise (Phượng Hoàng). Người ta gọi tên bird-of-paradise vì hoa có hình dáng như mỏ chim và lông đầu của chim. Có người nói hoa có hình dáng như chim đang bay. Vì màu sắc đẹp đẽ của hoa nên người ta cũng dùng nó như là biểu tượng của thiên đàng.   
Vy Văn Đô: Bird-of-Paradise (Phượng Hoàng)
Bird of Paradise cũng có nhiều loại khác nhau. Có loại thân cây cao đến 10 thước tây. Ta thường gọi hoa này bằng một tên không tao nhã, là hoa Chuối Dại, không hẳn là sai, vì lá cây giống lá chuối và nó thuộc loại chuối (banana) dòng họ Musaceae. Người ta kể bird-of-paradise là hoa miền nhiệt đới.
Calla Lily là loài hoa có cọng dài, đài hoa như loa kèn. Hoa có nhiều màu sắc khác khác nhau, Ảnh của Vy Văn Ðô, rất đơn sơ nhưng màu sắc thật dẹp. Một bình hoa như thế này trong những ngày đầu Xuân sẽ cho gia chủ nhiều phút thoải mái.  
Vy Văn Đô: Calla Lily
Calla Lily có khi người ta viết thiếu chính xác là Cala Lily không phải là hoa huệ (lily) chính thống. Calla Lily thuộc giống Zantedeschia. Tất cả hoa thuộc giống này đều rất độc có thể làm chết trẻ con và thú vật nhỏ.
Loài hoa này có thể chịu được độ lạnh -20 F. và có loại sống trên vùng đất không bao giờ bị đông đá.
Vy Văn Ðô dùng ảnh hoa thay thiệp chúc Tết gửi đến quý độc giả thân yêu.
Hoa Iris của Vy Văn Ðô. Theo thần thoại Hy Lạp thì nữ thần Iris có nhiệm vụ đem nước từ sông Styx trong chiếc bình rộng miệng đến mỗi khi các thần nam cũng như nữ thề nguyền quan trọng. Thần nào thề gian dối hay vi phạm lời thề sẽ bị bất tỉnh một năm. Nếu tòa án ngày nay có thần Iris hay nước thánh ấy, ta không cần luật sư hoặc số luật sự sẽ giảm rất nhiều.   
Vy Văn Đô: Iris
Loài hoa này có 300 giống khác nhau. Hoa có 6 cánh, ở giữa cánh hoa đứng thẳng gọi là trụ (standards) các cánh bên ngoài tỏa ra và xụ xuống gọi là xòe (falls).
Ðây là loại hoa thường được dùng trang trí, và cũng là loài hoa được nhiều họa sĩ Ðông cũng như Tây vẽ tranh.
Sen là loài hoa mọc dưới nước và có lẽ đó là loài hoa có nhiều biểu tượng hôn hết. Người ta cho hoa sen có sư tinh khiết từ bên trong tỏa ra ngoài.  
Vy Văn Đô: Sen Trắng
Hoa Sen được trọng vọng trong cả Ấn giáo cũng như Phật giáo, vì thế ảnh hưởng của hoa này trải rộng từ Ấn Ðộ đến Nhật Bản, xuyên qua Thái Lan, Việt Nam và Trung Hoa. Người ta thấy rất nhiều hinh Phật và các thánh của Ấn giáo tay cầm hoa sen và đứng hoặc ngồi trên đóa sen. Nếu có ai chưa hề nhìn thấy hoa sen, có lẽ họ cũng đã có lần ăn hột sen, dưới nhiều dạng biến chế khác nhau, hoặc trong thuốc bắc.
Người ảnh Thái Ðắc Nhã gửi đến ta ảnh hoa đào. Hoa Ðào có hình dáng tương tự như hoa Lê, hoa Mai. Hoa nở từng chùm rất đẹp. Hoa có nhiều giống với màu sắc đậm lợt khán nhau. Ở thủ đô Washington có hàng cây đào hoa trắng trồng quanh bờ hồ trước đền kỷ niệm Jefferson, của chính phủ Nhật Bản tặng, Hằng năm vào tháng Tư khi hoa đào nở rộ người ta tổ chức lễ hội Hoa Ðào rất linh đình.  
Thái Đắc Nhã: Hoa Đào
Tôi nhớ khi còn nhỏ được biết hoa lan là loài hoa rất quý và hiếm, người ta phải lên rừng sâu ở cao nguyên tìm hoa đem về thành. Khi đi dự hội nghị ở Singapore, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy người ta trồng lan làm hàng rào.Thật ra lan có thể là loài hoa có nhiều hơn hết trên mặt địa cầu, với 10,633 loại của 764 giống khác nhau. Mỗi năm người ta tìm ra những giống mới và cho lai giống mới. Việt Nam cũng đóng góp vào hàng hoa lan hiếm quý trên thế giới.
Ðây là ảnh Lan Ðất của Thái Ðắc Nhã. Lan đất có lẽ là loại dễ trồng hơn hết.   
Thái Đắc Nhã: Lan đất
Thái Ðắc Nhã giới thiệu cho ta một thứ hoa ít khi thấy, đó là hoa Passion, người Việt gọi là Chanh Dây. Ðây là loại dây leo có trái. Có trên 500 loại hoa này. Hoa passion có dược tính an thần nên rất được trọng dụng trong dược giới. Tuy nhiên bên cạnh cái lợi cũng có cái hại. Dùng không cần thận không phải là điều nên làm.
Thái Đắc Nhã: Passion (Chanh dây)
Khi nói đến từ passion bạn không khỏi hiểu theo nghĩa thông thường là dục vọng, ham muốn cuồng nhiệt, hay đam mê v.v. . Nhưng passion ở đây có nghĩa là khổ nạn của Chúa Jesus. Ở Tây Ban Nha người ta gọi là espina de Cristo (gai của Chúa Giê-su). Người Ðức gọi là Christus Krone (mão của Christ), hay là dorn-krone (mão gai), Marter (thương khó, khổ nạn).
- Ðầu lá nhọn tượng trưng cho mũi giáo đâm Chúa.
- Tua quấn của dây hoa tượng trung cho roi da đánh Chúa.
- Mười đài hoa và cánh hoa tượng trưng cho 10 môn đệ trung thành của Chúa (Phê-rô chối Chúa và Du-đa phản Chúa).
- Những tia nhỏ tủa ra (có thể lên đến 100 tùy loại hoa) tượng trưng cho mũ gai đội đầu Chúa.
- Buồng trứng có hình dáng cái ly và bồn chứa tượng trưng cho chén nước Chúa uống.
- Ba búp chấm tượng trưng cho ba dấu đinh và năm que bên dưới tượng trưng cho 5 vết thương, bốn là vết thương do đinh đóng và vết thứ năm là do giáo đâm vào ngực Chúa.
- Màu xanh và trắng của hoa tượng trưng cho Trời và sự Tinh khiết.
Mời quý bạn trở về trần thế hơn và gần gũi chúng ta và ngày xuân hơn.
Người ảnh Nguyễn Học Hải mời quý vị bước vào vườn Ðào để xem Ðiệu Vũ Hoa Ðào không do kiều nữ Nhật Bản múa mà do các kiều nữ Việt Nam. Tôi rất phục ông Nguyễn Học Hải đã điều động được chừng này người đẹp đưa vào vườn đào ở khá xa để chụp ảnh mà ông vẫn còn nguyên vẹn để trở về. Vì có chủ ý từ trước nên ông dùng toàn màu ấm cho ảnh đẹp này. Ảnh chứng tỏ con người hòa hợp với thiên nhiên khi nắng xuân ấm trở về.   
Nguyễn Ngọc Hải: Điệu Vũ Hoa Đào
Nguyễn Học Hải không đề tên ảnh, nhưng E Thẹn có lẽ là tên thích hợp cho ảnh này. Người đẹp cũng được gọi là hoa. Hoa di động ở giữa rừng hoa bất động, tạo thành hình ảnh tuyệt vời cho mùa Xuân. Người đẹp e ấp giữa vườn đào. Em chờ đợi ai mà có vẻ vừa e thẹn, vừa bối rối.    
Nguyễn Ngọc Hải: E Thẹn ?
Hoa mai cũng là dấu hiệu của sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Người ảnh Lâm Hoài Thạch cho ta một chậu hoa mai với rất nhiều nụ, hứa hẹn sẽ có rất nhiều hoa trong mấy ngày Tết. Người trồng mai phải chăm sóc cây hoa, nhất là cần ngắt lá đúng thời tiết và đúng ngày để hoa sẽ nở vào ngày Tết để có nhiều may mắn và có hoa trọn vẹn trong ba ngày Tết.   
Lâm Hoài Thạch: Hoa Mai
Người ảnh Trương Công Khả gửi đến một ngọn mai nở thật đều. Dù có tin nơi ý nghĩa của hoa có đem đến may mắn cho ta hay không, có hoa đẹp trong nhà và quanh nhà vẫn là điều ước mong của mọi người.   
Trương Công Khả: Ngọn mai
Thú chơi hoa đã lôi cuốn người lớn tuổi một cách say mê. Họ để rất nhiều thì giờ nghiên cứu và tỉa củ Thủy Tiên để có hoa đẹp trong ngày Tết.Các cụ biết cách gọt củ cho đúng luật, đúng ngày, biết cách thúc, hãm hoa v.v. . . để hoa nở đúng ngày mong muốn. Hoa trắng tinh khiết phải được đặt trong tô cổ, có khay trà bên cạnh, ngồi uống trà, ngắm hoa, bàn chuyện nhân thế cũng là lối hưởng nhàn cao quí. Ðối với người Việt Nam hoa Mai là thứ hoa phải có trong mùa Xuân. Phải chăng vì đọc trại theo người miền Nam nó trở thành loài hoa đem nhiều may mắn đến cho người? Hay màu vàng tươi của hoa đồng nghĩa với vàng kim loại?   
Ảnh Hoa Thủy Tiên của nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi
Xuân đến, mọi sự đổi mới. Trẻ em có vẻ nô nức hơn hết. Các em không có những món nợ phải trả, nóng lòng chờ đợi để được mặc áo quần mới, nôn nóng theo cha mẹ để đi chúc thọ ông bà và thân nhân, để được nhận tiền lì xì.
Bùi Văn Liêm gửi đến ta một hình ảnh quen thuộc, hai em bé Việt trong quốc phục, như tất cả các em bé Việt khác, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù lúng túng vì lần đầu được mặc áo dài và đầu đội khăn vành, nhưng lòng chắn chắn rộn ràng trong niềm vui mới.
Nếu không theo cha mẹ đi chúc Tết, và nếu được tự do tụ tập, các bé trai không khỏi tìm thú vui mới, bắt chước người lớn đốt pháo. Các em thích đùa với lửa, đùa với chất nổ lớn của phong pháo đại khá dài mà không nghĩ đến sự nguy hại của pháo.
Nguyễn Phương gửi hai ảnh. Cả hai đều có chất nổ.  
Nguyễn Phương: Dợm đốt pháo
Nguyễn Phương: Xác pháo nổ đầy sân
Ảnh 1- Các em dợm đốt pháo. Ảnh 2- Xác pháo nổ đầy sân. Pháo vẫn còn nổ, Khói pháo bao trùm cảnh trí, chỉ lộ một đầu lân. Tiếng pháo nổ đuổi tà ma, xui xẻo đi. Lân đem niềm vui và thịnh vượng đến. Vì vậy lân và pháo không thể thiếu trong máy ngày Tết. Vì vấn đề an ninh và hỏa hoạn đã hạn chế nhiều, nhưng những nơi nào được phép, pháo vẫn nổ. Lân mà không có pháo, cảnh múa lân mất hào hứng.
Nhân dịp Xuân về Lê Văn Khoa xin kính chúc quý vị một năm an lành, hạnh phúc và thịnh vượng.
 
Lê Văn Khoa
& “Nocturne cho vĩ cầm và dương cầm”
 
Đàm Xuân Linh
 (Nhạc sĩ vĩ cầm, Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn – 1962)
 
Tác phẩm “Dạ Khúc cho vĩ cầm và dương cầm” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa đem lại cho tôi một ngạc nhiên lớn. Thể nhạc đặc biệt này bắt đầu với những bài Dạ Khúc của nhạc sĩ Ái Nhĩ Lan John Field và đạt đến tuyệt đỉnh với những bài Nocturne bất hủ của nhạc sĩ Ba Lan Frederick Chopin, viết cho dương cầm. John Field cho xuất bản loạt bài Nocturnes của ông vào năm 1814, sau đó nhiều nhạc sĩ khác cũng viết những sáng tác theo thể điệu “Dạ Khúc” – Gabriel Faure và Francis Poulenc viết cho dương cầm, Debussy viết cho dàn nhạc – nhưng theo ý kiến chung trong thế giới âm nhạc cổ điển, những bài Nocturnes viết cho dương cầm của nhạc sĩ thiên tài Chopin được dành cho một chỗ đứng cao nhất.
Khi đêm về, lòng ta lắng lại, khi mọi tiếng động của sinh hoạt hàng ngày tắt tiếng thì cũng là lúc chúng ta để đời sống của tâm hồn trỗi dậy với những vui buồn, những kỷ niệm và mọi thứ tình cảm ấp ủ trong lòng. Trong sự im lặng của màn đêm, Dạ Khúc của Lê Văn Khoa mở đầu với tiếng dương cầm êm ái, và khi tiếng vĩ cầm bắt đầu từ trầm lên cao vút cũng là lúc kỷ niệm từ quá khứ ập về, ngọt ngào và tha thiết! Nhưng kỷ niệm không phải chỉ toàn có đau buồn nuối tiếc, kỷ niệm cũng có những ngày vui , đó là lúc tiếng đàn chuyển qua âm giai trưởng, nghe như reo vui của những ngày xưa cũ. Niềm vui nào rồi cũng qua mau, tiếng đàn vĩ cầm lại quay về với dòng nhạc đầu tiên và kết thúc trong sự nuối tiếc khôn cùng, kỷ niệm rồi cũng chỉ là những nỗi vui buồn trôi đi cùng năm tháng.
Chúng ta ai cũng quen thuộc với nguyên tắc “trở về” của nhiều nhạc phẩm mới cũng như cũ: bản nhạc bắt đầu bằng một giai điệu, chuyển qua một hoặc nhiều giai điệu khác với những biến hóa tùy theo tác giả, nhưng cuối cùng lại trở về với nét nhạc đầu tiên. Lê Văn Khoa, trong bài “Dạ Khúc cho vĩ cầm và dương cầm”, đã dùng cái nguyên tắc “trở về” ấy một cách tài tình; nhưng biến khúc của ông không bao giờ đi quá xa cái tình cảm diễn đạt trong giai điệu chính, khiến toàn thể bài Dạ Khúc là một cấu trúc thật đẹp, là một tiếng lòng vô cùng tha thiết.
Dạ Khúc là một thể điệu âm nhạc mà tác giả được quyền viết một cách tự do, nhưng bài Nocturnes có giống nhau chăng chỉ ở chỗ chúng thường mang một sự trầm lắng, suy tư nào đó; nếu vui thì cái vui cũng ít khi ồn ào thái quá, và nhất là tính cách lãng mạn của những bài Nocturnes thì bao giờ cũng không thể thiếu.
Một trong những bài Dạ Khúc nổi tiếng của Chopin (Nocturne No. 20 in C sharp minor) viết cho dương cầm, đã được danh cầm Nathan Milstein viết lại cho vĩ cầm và dương cầm. Chính Milstein đã trình tấu và thu âm bài Dạ Khúc này nhiều lần. Những bạn yêu tiếng vĩ cầm có thể nghe lại bài Dạ Khúc đó qua tiếng vĩ cầm có một không hai của Milstein, trong những CD mang tựa đề “The Art of Nathan Milstein” của hãng dĩa Anh-quốc EMI. Milstein đã dùng “sourdine” khi đàn Dạ Khúc cung C sharp minor, tôi tự hỏi bài Nocturne của Lê Văn Khoa có thể được trình bày hay hơn bằng vĩ cầm với “sourdine” không, nhưng tôi biết chắc nhiều người yêu nhac sẽ thích nghe Nocturne của Lê Văn Khoa với tất cả những tình cảm ngọt ngào cay đắng qua âm thanh tự nhiên của cây vĩ cầm hơn.
Nếu thích, bạn có thể nghe nữ nhạc sĩ vĩ cầm Midori trình tấu bài Nocturne cung C sharp minor của Chopin (Milstein soạn lại). Midori đã chọn bài Dạ Khúc này trong buổi trình tấu ra mắt của cô ở Carnegie Hall, lúc cô mới 19 tuổi nhưng đã nổi tiếng là một kỳ tài về vĩ cầm với kỹ thuật hiếm có. Midori không dùng “sourdine” nhưng vẫn cố gắng giữ cho bài Nocturne được nhẹ nhàng bằng cách dùng “vibrato” vừa phải. Rõ ràng cung cách trình bày của cô khác hẳn Milstein, tiếng đàn của cô có những lúc như khóc như than làm người nghe khó cầm được xúc động! Thành thực mà nói, tôi thích cả hai lối trình tấu nhưng đứng về phương diện “style” có lẽ Milstein đến gần ý của tác giả hơn.
Nocturne của Lê Văn Khoa, qua tiếng vĩ cầm của nữ nhạc sĩ người Ukraine Svyatoslava Semchuck, thật là một diễn tả tuyệt vời! Tôi cảm thấy rõ ràng là Semchuck hoàn toàn cảm thông với tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam Lê Văn Khoa, điều này không có gì lạ vì ông đã viết một tác phẩm hoàn toàn theo nét nhạc Tây phương, và ông đã thành công trọn vẹn.
Tôi không biết có bao nhiêu nhạc sĩ Việt Nam đã đặt bút viết những bài Nocturne. Gần đây nhạc sĩ Thanh Trang viết “Dạ Khúc” đã mang cho tôi nhiều xúc động với lời ca và nét nhạc thật trau chuốt đẹp đẽ! Khi nghe Nocturne của Lê Văn Khoa, viết cho hai nhạc khí vĩ cầm và dương cầm, tôi tự hỏi một bản nhạc hay như vậy đã được trình bày bao nhiêu lần?, ở đâu?, và đã được nằm trong chương trình trình tấu của bao nhiêu nghệ sĩ vĩ cầm? Bởi vì, theo ý tôi, đó phải là chỗ đứng xứng đáng của tác phẩm này, một thành công vượt bực của người nghệ sĩ Lê Văn Khoa.
 
Filed under: Hình Ảnh, Lê Văn Khoa
Provided by: Viet Hai Los Angeles
(Website: GocTroiRieng_LeThy)
Lê Văn Khoa Links:
 
 
 
 
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment